4 tâm lý phụ huynh nên chuẩn bị khi con bước vào tuổi mầm non

Phụ huynh không nên quá kỳ vọng vào kỹ năng vượt cấp của trẻ cũng như ngộ nhận về các phương pháp giáo dục sớm…

 

  1. Không quá kỳ vọng vào kỹ năng vượt cấp của trẻ

Nhiều phụ huynh vì mong muốn con có nền tảng kiến thức tốt cho quá trình học tập sau này nên đã cho trẻ học chữ, tính toán ngay từ tuổi mầm non. Thực tế, sự kỳ vọng quá mức về khả năng vượt cấp của con dễ gây phản tác dụng, khiến trẻ áp lực, mỏi mệt cả về thể chất lẫn tâm thần, khó hấp thụ kiến thức mới.

Giáo sư Kathy Hirsh-Pasek, chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ trẻ em tại Đại học Temple, Mỹ cho biết, trong quá trình hình thành ở những năm đầu, bộ não của trẻ cần có “vùng trống” để chuẩn bị cho các kiến thức sẽ học trong tương lai. Các vùng trống này là cần thiết chứ không cần phải lấp cho đầy.

Tác giả lấy một ví dụ mô tả tình trạng nhồi kiến thức giống như đường dây điện thoại bị nghẽn mạng. Nếu trẻ học quá nhiều một thứ gì đó những năm đầu đời thì não bộ sẽ tập trung phát triển các kỹ năng này và không có vùng trống dự trữ để học các kỹ năng khác về sau.

Tình trạng nhồi kiến thức giống như đường dây điện thoại bị nghẽn mạng, Giáo sư Kathy Hirsh-Pasek, chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ trẻ em tại Đại học Temple, Mỹ cho biết.

  1. Không ngộ nhận về các phương pháp giáo dục sớm 

Chỉ cần tìm từ khóa “giáo dục sớm” trên mạng, sẽ có hàng chục phương pháp của Mỹ, Nhật, Do Thái… như Glenn Doman – dạy con nhận biết sớm thông qua thẻ, Shichida – nguyên tắc yêu thương, Montessori – nguyên tắc kỷ luật trong tự do…

Việc sử dụng bộ flash card của Glenn Doman là một ví dụ. Theo nhiều tác giả, đây là kiểu học vẹt và không giúp ích gì cho việc học ngôn ngữ hay toán về sau. Lý do là trẻ chưa thể hiểu được và chỉ học qua việc nhớ mặt chữ, hình ảnh một cách máy móc. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu của giáo sư Koan – Đại học CamBridge – chỉ ra rằng, không hề có sự khác biệt nào giữa trẻ bình thường và trẻ học tập theo phương pháp flash card.

Theo Thạc sĩ Tâm lý Lê Thị Minh Hoa (Viện Tâm lý SunnyCare), trong những năm đầu đời, trẻ cần nhất là sự yêu thương và tự do khám phá thế giới theo cách của mình. Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng các kỹ năng xã hội, sự tự tin và trí tưởng tượng, chứ không cần thiết phải có sự tăng cường về các chương trình giáo dục sớm.

Trong những năm đầu đời, trẻ cần nhất là sự yêu thương và tự do khám phá thế giới theo cách của mình.

  1. Không đánh giá thấp vai trò của trải nghiệm thực tế đối với trẻ

Nhiều phụ huynh có tâm lý thích chọn trường có cơ sở vật chất tốt với sân vườn, hồ bơi… cho con mà bỏ qua yếu tố trải nghiệm thực tế.

Cũng theo Thạc sĩ Tâm lý Minh Hoa, một môi trường lý tưởng dành cho trẻ là một môi trường bình thường với những gì tự nhiên nhất trong cuộc sống hàng ngày mà trẻ tương tác. Đó có thể là chuyến dã ngoại thực tế tại các nông trại rộng lớn, những buổi tham quan rạp xiếc, xem phim hay học làm bánh tại cửa hàng bánh… Tất cả những trải nghiệm đó sẽ kích thích sự tò mò, hứng thú khám phá, học hỏi ở trẻ.

Một môi trường lý tưởng dành cho trẻ là một môi trường bình thường với những gì tự nhiên nhất trong cuộc sống hàng ngày mà trẻ tương tác.

  1. Lưu ý khía cạnh tài chính

Giáo dục sớm không phải là hành trình ngày một ngày hai, mà là một chặng đường dài. Vì vậy, bố mẹ cần có kế hoạch tài chính dài hơi và quyết định đầu tư đúng đắn cho tương lai con trẻ để đảm bảo trẻ có chương trình học ổn định, phát triển liền mạch.

Theo Vnexpress.mamnon